Những điều nên biết trước khi mở cửa hàng
Bạn đang muốn mở một cửa hàng của riêng mình. Các vấn đề tiền vốn, nguồn hàng, nhân viên, tủ kệ ... đều đã đâu vào đó. Nhưng bạn vẫn chưa tìm được địa điểm ưng ý để đặt cửa hàng. Vậy phải biết làm sao? Điều gì sẽ quyết định sự thành bại trong việc kinh doanh của một cửa hàng? Theo một chuyên gia lâu năm trong nghề, có 3 yếu tố: Thứ nhất là vị trí, thứ hai là vị trí và thứ ba ... cũng là vị trí.
Tất nhiên, việc tìm vị trí để đặt cửa hàng phụ thuộc vào các yếu tố: Bạn định bán cái gì, đồ ăn hay hàng hiệu; đối tượng khách của mình là ai, nam phụ hay lão ấu; người ta sẽ biết đến cửa hàng của mình nhờ cái gì, độc đáo hay chu đáo; và mình sẽ cần diện tích là bao nhiêu, một gian hay hai gian v.v...
Bạn định bán cái gì?
Đương nhiên hàng hóa khác nhau đòi hỏi vị trí khác nhau. Thí dụ, trung tâm mua sắm của một quận ngoại ô sẽ không phải là nơi thích hợp để bán hàng lưu niệm cho Tây hoặc Diamond Plaza rõ ràng không phải là nơi để mở hiệu tạp hóa bán mì ăn liền.
Có thể tạm phân các cửa hàng thành 3 loại chính: Thứ nhất là các cửa hiệu tạp hóa, nơi bán đủ thứ linh tinh cho nhu cầu hàng ngày, từ sữa bột đến mì gói, từ lon Coca cho tới chiếc bật lửa; Thứ hai là cửa hiệu chuyên biệt, bán những thứ giá trị cũng tầm tầm nhưng không dành cho tiêu dùng hàng ngày, như đồ điện, quần áo v..v. Cuối cùng là các cửa hàng bán hàng có giá trị cao hẳn như máy ảnh, tủ lạnh, đồ nội thất, xe máy, ô tô v..v.
Với loại hàng có giá bình dân, phục vụ nhu cầu đại chúng nên yêu cầu đầu tiên đặt ra với một hiệu tạp hóa là “dễ tiếp cận” đối với mọi đối tượng khách hàng. Nó cũng phải cho phép khách hàng thực hiện việc mua bán với tốc độ nhanh, không phải tìm chỗ đỗ xe phiền hà, không phải xếp hàng chờ thanh toán hàng giờ như ở Big C hay Metro. Vị trí thích hợp cho nó sẽ là giữa khu dân cư đông đúc, tiện đường qua lại để tạt vào trên đường đi làm về hoặc sai con chạy ra mua cái gì đó trong lúc đang nấu cơm, tỉ dụ như gói bột nêm. Các trung tâm thương mại, vì vậy, không phải là vị trí thích hợp cho hiệu tạp hóa.
Cửa hiệu chuyên biệt, như tên gọi đã chỉ ra, bán hàng chuyên hơn và phục vụ đối tượng hẹp hơn nên khách hàng thường là không ngại đi xa một chút để mua. Thí dụ điển hình là đồ điện (bóng đèn, ổ cắm, công tắc) hay đồ chơi trẻ em. Cửa hiệu chuyên biệt, nếu đặt cạnh các cửa hàng chuyên bán hàng có giá trị cao, cũng rất tốt cho công việc kinh doanh.
Cửa hàng là nơi bán hàng có giá trị cao hẳn và không phục vụ nhu cầu thường xuyên, như đồ nội thất hay xe ôtô là ví dụ. Vì giá trị của hàng hóa cao nên khách hàng thường có xu thế so sánh giá trước khi quyết định mua. Vì vậy, nếu đặt cửa hàng gần những cửa hàng bán đồ tương tự thì công việc kinh doanh sẽ thuận lợi hơn. Các cửa hàng chuyên bán đồ sứ vệ sinh và đồ nhà tắm trên phố Cát Linh, Hà Nội hay các cửa hàng chuyên bán đồ điện tử tại đường Huỳnh Thúc Kháng, TP HCM có thể đã hiểu rất rõ nguyên tắc này.
Khách hàng của bạn là ai?
Câu hỏi này bạn cũng có thể trả lời được, sau khi điều tra thật kỹ khu vực mà bạn định đặt cửa hàng, xem dân cư quanh đó, hoặc những người thường xuyên đi qua đó có phải là đối tượng mà bạn định nhắm tới hay không. Đừng suy diễn mà hãy tới tận nơi, hỏi chuyện các cửa hàng lân cận hoặc nói chuyện với các cụ về hưu để tìm hiểu xem dân cư ở đó thế nào, thí dụ như bao nhiêu dân, tuổi tác, trình độ, tỷ lệ nam nữ, già trẻ, thu nhập bình quân, thói quen mua sắm v.v... Tóm lại là một cuộc “điều tra dân số” nho nhỏ để đặt cửa hàng vào đúng nơi mà khách hàng của bạn sống, làm việc và mua sắm.
Đừng nghĩ cứ nhiều người qua lại thì sẽ đông khách. Không nhất thiết. Ai cũng muốn đặt cửa hàng ở vị trí có nhiều người qua lại nhưng vấn đề đôi khi không nằm ở lưu lượng. Hãy tự hỏi: có bao nhiêu người trong số “qua lại” ấy là khách hàng mục tiêu?
Cửa hàng nhỏ có thể có lợi khi đặt cạnh cửa hàng lớn bởi nó tận dụng được lưu lượng khách đi qua. Chỉ cần 30% trong số họ tò mò rẽ vào, bạn đã có một lượng khách hàng kha khá. Vì vậy, hãy đến tận nơi và để ý lưu lượng người đi qua vị trí mà bạn định đặt cửa hàng. Hãy để ý đến thành phần của những người qua lại ấy và nhiều chi tiết tưởng chừng không liên quan khác, thí dụ như có phương tiện công cộng nào dừng ở đó hay không, xe buýt chẳng hạn.
Ngoài những yếu tố trên, tất nhiên bạn còn phải cân nhắc tới các yếu tố khác, như chi phí, hàng xóm cửa hàng của bạn là ai…Những điều tưởng như đơn giản đó đôi khi lại rất quan trọng, ví dụ bạn bán đồ hiệu mà lại đặt cửa hàng ở một phố chuyên bán “hàng thùng” thì đó không phải là một ý tưởng hay. Các bà, các chị chuyên dùng đồ hiệu chắc sẽ không muốn xuất hiện ở những nơi chuyên bán đồ “sale” hay “hàng thùng”.
Vấn đề nữa là chỗ để xe. Thời buổi mà phương tiện cá nhân vẫn chiếm vai trò chủ đạo, chỗ để xe có ý nghĩa quan trọng. Đừng tìm cách mở siêu thị ngay mặt tiền của đường một chiều có vỉa hè hẹp. Làm thế là tự sát. Tùy theo dạng cửa hàng, nhìn chung cứ 100m2 bán hàng thì phải có từ 45m2 đến 70m2 chỗ để xe máy và ô tô. Hãy xem Metro và BigC, tuy khá xa trung tâm thành phố nhưng do quy mô lớn, tập trung nhiều hàng hoá và quan trọng là có… chỗ đỗ xe rộng nên khách hàng rất đông.
Hãy điều tra thật kỹ khu vực mà bạn định đặt cửa hàng, xem dân cư quanh đó, hoặc những người thường xuyên đi qua đó có phải là đối tượng mà bạn định nhắm tới hay không.
Tags: tư vấn phong thủy
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Đăng nhận xét